Chế độ bù sáng (EV – Exposure Value Compensate) là một thành phần khó có thể thiếu được hiện nay, kể cả những máy ảnh ngắm và chụp (point and shoot). Nó không quá phức tạp như nhiều người nghĩ và mang lại những hiệu quả bất ngờ. Những người chụp bình thường thường phó mặc công việc đo sáng cho máy tự quyết định (chế độ Full Auto hoặc Program).
Thật ra nó rất đơn giản và nếu bạn hiểu thêm về chức năng này thì ngay cả bạn có một máy ảnh bình thường tới cỡ nào bạn vẫn có thể chụp được những tấm ảnh đẹp trong mọi tình huống. Mỗi một máy ảnh, từ máy bình dân tới SLR cao cấp đều tích hợp trong mình một chip đo sáng để quyết định độ mở ống kính và tốc độ như thế nào là thích hợp trước mỗi cảnh vật. Cảm biến sáng này sẽ đo sáng tại từng điểm khác nhau của khuôn hình, chia trung bình và sẽ lấy mức ánh sáng trung hòa nhất dựa trên tính toán trung bình này để quyết định độ mở và tốc độ bắt sáng (ở đây đang nói đến trường hợp thông dụng nhất là chế độ chụp tự động, cơ chế đo sáng đa điểm, không phải đo sáng theo điểm (spot), hay đo sáng trung tâm (center weight).
Trong hầu hết các trường hợp các tính toán trung bình này đều đúng và đều cho bạn những bức ảnh đẹp. Ảnh chụp với chế độ bù sáng bằng 0. Tuy nhiên nếu bạn chụp các đối tượng có độ tương phản cao như chụp dòng sông dưới ánh nắng, chụp kim loại, chụp bãi biển,… bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ngay nhược điểm này của máy. Do độ chênh lệch sáng tối quá cao, cảm biến của máy sẽ bị loạn và thường là làm tối những bức ảnh quá nhiều sáng hoặc làm sáng những bức ảnh quá nhiều tối. Ví dụ khi chụp ánh nắng trên sông hay trên bãi cát, toàn bộ tông sáng sẽ bị giảm đi, ánh nắng không còn rực rỡ, mặt người, cây cối lại tối om. Ngược lại nếu chụp dưới bóng râm như chụp trong rừng thưa chẳng hạn, bóng râm quá nhiều khiến cho máy sẽ tự kích ánh sáng thêm lên, khiến cho các đối tượng cần bóng lại trở nên sáng quá… Chính lúc này là lúc chế độ EV vào cuộc và bạn sẽ là người “nói” cho máy biết ánh sáng thế nào mới là đúng. Ảnh chụp với chế độ bù sáng Ở chế độ bình thường, khi chụp đám cưới chẳng hạn, váy trắng của cô dâu có độ tương phản rất cao, khiến cho máy sẽ có xu hướng giảm sắc trắng xuống ngả thành màu xám, kéo theo việc mặt người có màu tối hơn lại trở lên lọ lem hơn. Hiểu được tính cách này của máy, bạn chi việc tăng độ bù sáng (+EV) lên 1 hoặc 2 giá trị (+1EV hoặc +2EV). Đây chính là cách bạn nói với máy ảnh rằng bạn cần thêm ánh sáng để có một màu trắng nổi bật thật sự. Máy ảnh sẽ bù thêm lượng sáng bằng lượng ánh sáng của khẩu độ mặc định nhưng thấp hơn 1 hoặc 2 bậc hay độ mở giảm đi 1 hoặc 2 bậc tùy vào bạn ra lệnh bù sáng bao nhiêu. Kết quả bạn sẽ có một bức ảnh đám cưới với một màu sắc tươi sáng rực rỡ hơn. Đối với chế độ giảm lượng sáng (-EV) cũng tương tự như vậy. Nhưng bạn nên lưu ý một điểm nhỏ, đó là khi bạn chụp ảnh và chỉnh sửa EV bù sáng trên máy, đừng quá tin vào màn hình LCD trên máy ảnh bởi một lẽ thứ nhất là độ phân giải của màn hình này không đủ, thứ hai là các nhà sản xuất máy ảnh có xu hướng tăng độ sáng và tương phản của màn hình lên so với hình ảnh thật để làm thỏa mãn người tiêu dùng nên bức ảnh của bạn có thể trông rất sáng đẹp trên máy ảnh nhưng lại tối tăm trên máy tính. Đối với những máy ảnh có chế độ Auto Bracketing, bạn có thể dùng chế độ này để cùng một bức ảnh, máy ảnh sẽ chụp liên tiếp 3 hoặc 5 kiểu với 1 kiểu nguyên dạng, 1 hoặc 2 kiểu thiếu sáng (-1EV) và 1 hoặc 2 kiểu thừa sáng (+1EV). Khi xem ảnh trên màn hình máy tính bạn sẽ biết đối với cảnh nào thì bù thừa sáng hay bù thiếu sáng là tối ưu hơn. Một số trường hợp cơ bản 1. Cảnh quá sáng hoặc có ánh nắng rực rỡ ==> +1EV – +3EV 2. Cảnh bãi biển, mặt sông phản sáng ==> +0.7EV – +3EV 3. Cận cảnh vật thể sáng màu (bông hoa vàng) ==> +1EV – +1,7EV 4. Phong cảnh nhiều bóng râm ==? -0.5EV 5. Vật thể tối màu (nhà cổ, tường xám) ==> -1.5EV – +0.5EV Tuy nhiên, không có một công thức chuẩn cho việc bù sáng bao nhiêu là vừa mà đó hoàn toàn dựa vào quang cảnh cụ thể mà bạn định chụp. Chí có kinh nghiệm mới giải quyết được vấn đề. Nhưng với sự thông dụng của máy ảnh số hiện nay, bạn không cần phải lo đến việc chờ đợi hàng giờ rửa ảnh mới có thể biết kết quả của mình mà sản phẩm sẽ hiện ra ngay tức thì. Vì vậy chỉ cần chụp vài lần để xem sự khác nhau là bạn đã có thể rút ra kinh nghiệm của riêng mình.
(Theo http://dalat.wordpress.com)