Trong môn nhiếp ảnh, ngoài sáng tác nghệ thuật ra thì kỹ năng chụp sân khấu và thể thao là hai loại hình khó khăn, phức tạp nhất. Nếu chụp hình thể thao đòi hỏi phương tiện máy móc hiện đại, sự nhạy bén và khả năng chớp thời cơ của tay máy thì việc chụp hình sân khấu rất cần kinh nghiệm.
Cái khó khăn đầu tiên khi ta đối mặt đó là ánh đèn sân khấu nhiều màu sắc, khi vụt sáng, khi tối sầm, chớp chớp, nhoay nhoáy. Gặp trường hợp này, các phó nháy chuyên nghiệp nhưng thiếu kinh nghiệm cũng phải lo lắng khi lần đầu “đối mặt”. Có nhiều tay máy chụp hỏng toàn bộ cả tập hình ảnh vì thiếu kinh nghiệm, hoặc dạn dày trình độ vẫn có lúc ảnh hỏng như thường.
Sử dụng ống kính zoom
Để chụp hình trên sân khấu một cách thuận tiện và cho ra những bức hình như ý bạn cần có chiếc máy ảnh ống kính zoom. Với máy không chuyên thì zoom 3x trở lên đủ tiêu chuẩn. Với máy ảnh ống kính rời tele-zoom từ 105mm trở lên là ổn. Bởi sân khấu luôn luôn rộng và sâu mà bạn không có điều kiện tiếp cận gần đó. Tiêu cự này giúp bạn có thể ngồi cách đó chừng vài chục mét mà vẫn có thể ngắm nghía thoải mái.
Có những lúc, sân khấu tối sầm. Chụp ảnh lúc này là quá khó. Nếu cần, hãy đặt lại menu tăng ISO lên 800 hay 1600 ( ảnh chụp với mức ISO này sẽ bị rạn ) thì có thể đảm bảo một tấm hình đủ sáng. Bạn nên nhớ luôn luôn chú ý vào tốc độ màn trập của camera xem nó đã đủ để chụp một bức hình động chưa. Trên sàn diễn, thông thường các đối tượng đều cử động. Để đảm bảo các chi tiết như mặt, chân tay… không bị nhòe, ta nên để ISO cao hơn bình thường ( từ 400 đến 800) và máy ảnh để chế độ Auto sẽ tự động tăng tốc độ màn chập cao hơn. Nhìn vào màn hiển thị bạn thấy con số phía bên trái từ 1/60 hoặc cao hơn như 1/100, 1/125, 1/500… là đạt yêu cầu. Tuy nhiên, nếu ánh đèn sân khấu quá sáng, bạn nên để chế độ bắt sáng ở mức bình thường ( ISO 200). Nên nhớ rằng chụp với chế độ zoom cũng cần một tốc độ (Speed) nhanh (1/180 trở lên) để đảm bảo cho hình được nét.
Bộ cảm nhận và đo sáng (sensor) của máy khi gặp đèn sân khấu có thể sai là chuyện bình thường.Khi ấn nửa cò, phần đo sáng hoạt động, khi bấm hết tay cò, có thể ánh sáng chớp giật tại đây đã chuyển đổi khác đi, tối hơn hoặc sáng hơn. Ảnh vừa chụp sẽ hỏng do thừa hoặc thiếu sáng. Chụp với chế độ Manual cần nhiều kinh nghiệm và mất thời gian chỉnh đổi.
Không nên chụp sân khấu bằng đèn flash
– Khi bạn đứng xa sân khấu, flash không với tới được đối tượng. Các loại đèn “xịn” của các phóng viên có thể vươn xa được trên 20 m. Nhưng đối với các máy ảnh nghiệp dư thì flash chỉ trong khoảng 7 m.
– Thứ hai, với đèn chớp, ảnh sẽ không thật màu, những mảng khối, những ánh sáng xanh đỏ tím vàng sẽ bị flash át đi, dẫn tới bệt hình, màu xấu và xỉn.
– Với máy tự động, ống kính không với tới cận cảnh, dùng flash khi bạn đứng từ xa, với những sân khấu đơn giản sẽ làm cho phần khán giả gần camera sáng hơn. Chỉnh ảnh sẽ bị “trắng bốp” tiền cảnh nếu bạn muốn lấy rõ mặt đối tượng trên sàn diễn.
Khoảng cách hợp lý để chụp ảnh sân khấu là ngay hàng ghế khán giả đầu tiên. Ở vị trí này bạn có thể dùng cả ống kính góc rộng lẫn zoom để “bắn”. Nếu muốn lấy cả phông, bạn nên đứng chính giữa để hình không bị méo.
(Sưu tầm)