Lich su nhiep anh – CUỘC TRANH LUẬN GIỮA NHIẾP ẢNH VÀ HỘI HỌA

Oscar G. Rejlander – nhà nhiếp ảnh người Thụy Điển tuyên bố, ông không tìm ra được một phương pháp nào khác ngoài nhiếp ảnh có thể cho ông khả năng cao hơn, nhanh và chính xác hơn để tạo ra những nhân vật mang trang phục, trạng thái khác nhau và cách thể hiện đường nét của con người trong tác phẩm “Hai đường đời” năm 1856.

Nghệ thuật nhiếp ảnh có ưu thế tuyệt đối so với nghệ thuật tạo hình ở tính chân thật về tài liệu mà nó chứa đựng. Tính chân thật không phá hoại tính đặc thù nghệ thuật nhiếp ảnh. Đó chính là mấu chốt cơ bản làm cho nghệ thuật nhiếp ảnh khác với hội họa, điêu khắc.

hai duong doiTác phẩm “Hai đường đời” của Oscar G. Rejlander

Với bức ảnh mang tính biểu tương “Hai đường đời” do Oscar G. Rejlander, người Thụy Điển, làm việc ở Anh, chụp năm 1857, trong đó ông chụp phối nhiều âm bản trong một cảnh cùng một lúc.
Bức ảnh mô tả một ông lão đáng kính đang dắt hai đứa trẻ bước vào đời: Một đứa hiền từ, tốt bụng, từ thiện, chăm chỉ làm ăn, một lòng tin ở Chúa, còn đứa kia cốtình dứt ra khỏi tay ông lão dẫn đường, lao vào các hoan lạc của thế giới trần tục, được nhà nhiếp ảnh hình tượng hóa bằng các hình ảnh khác nhau hiện thân của sự chơi bời, trác tang, rượu chè trụy lạc và nhiều thói hư tật xấu khác. Cuối cùng hắn ta bị điên loạn rồi tự tử. Trung tâm của bức ảnh giữa hai trạng thái đối lập, có một hình ảnh tuyệt đẹp tượng trưng cho sự hối hận và của sự hy vọng.
Để chụp được bức ảnh này, Rejlander nhờ sự cộng tác của một đoàn nghệ thuật biểu diễn gồm nhiều diễn viên tài danh. Ông chụp thành từng nhóm, trong đó có sự tính toán tỷ lệ độ lớn tương ứng với khoảng cách mà từng nhân vật xuất hiện trước người xem. Tổng cộng ông chụp 30 âm bản, sau khi đã được tẩy bỏ những phần không cần thiết, rồi ghép lại với nhau và làm ra bức ảnh khổ 70×40.5cm. Bức ảnh được trình bày tại cuộc triển lãm “Đồ châu báu nghệ thuật” (Art Treasure Exhibition) năm 1857 tại Manchester, một trong những triển lãm quan trọng nhất của thế kỹ IXX. Bức ảnh này được Nữ hoàng Victoria (1819-1901) mua. Người ta chào mừng bức ảnh như là một tuyệt tác nghệ thuật lớn và trở thành bức ảnh đẹp nhất thế giới của thể lọai “ảnh liên hoàn” từ xưa đến nay.
Qua sự thành công của bức ảnh trên, Rejlander tuyên bố là ông không thể tìm ra được một phương pháp nào khác ngoài nhiếp ảnh có thể tạo cho ông khả năng cao hơn, nhanh hơn, chính xác hơn để tạo ra các nhân vật mang trang phục khác nhau, cũng như cách thể hiện các đường nét của con người.
Trong quá trình sáng tạo, Rejlander luôn luôn quan tâm tới việc thể hiện cảm xúc như sự sợ hãi hoặc ghê tởm hay sự vui buồn, hờn giận…của các nhân vật. Rejlander chụp khá nhiều trẻ con trong nhiều trạng thái khác nhau. Trong đó đáng chú ý là bức ảnh đứa trẻ đang khóc một cách ngộ nghĩnh, tấm ảnh thành công tới mức mà người ta kể rằng bức ảnh đó Rejlander bán được 25.000 tấm. Rejlander là người đầu tiên chụp ảnh cho lộ sáng hai lần. Đó là bức ảnh “Những thời kỳ khó khăn”.

Su heo tan dan

 

Bức ảnh “Sự héo tàn dần” của Henry Peach Robinson

Henry Peach Robinson bắt đầu chụp ảnh năm 1852 ở Leamington, Anh quốc. Ông trở nên nổi tiếng với bức ảnh “Sự héo tàn dần” (Fading away). Bức ảnh mô tả một cô gái sắp chết và bố mẹ cô rất đỗi sầu muộn. Bức ảnh này được ghép từ 5 âm bản.Người mẫu chính cho ông chụp là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh, đầy sức sống, 14 tuổi. Ông nói: sáng tạo ra bức ảnh để khẳng định bằng nhiếp ảnh “người ta có thể làm diện mạo của một người con gái đầy sức sống, khỏe mạnh, thành diện mạo của một người sắp trút hơi thở cuối cùng”.
Lúc này, trên báo chí và trong các cuộc hội thảo diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà nhiếp ảnh nghệ thuật. Một mặt Robinson viết rằng các bức ảnh đẹp có thể được tạo ra “nhờ phối hợp giữa cái thực và cái nhân tạo”, nhưng mặt khác ông lại đề cao “nhiếp ảnh hiện thực, là sự thể hiện lại một cách tuyệt đối ánh sáng, bóng tối và hình dáng…, ngoại trừ tất cả những cái mà nhà hội họa, nhà điêu khắc có thể làm được ”. Nhà phê bình nghệ thuật Jabes Hughes, tuy rất khen các tác phẩm của Rejlander và của Robinson, nhưng phản đối quyết liệt loại ảnh ghép liên hoàn (ảnh phối hợp nhiều phim).

thanh cong dau tien cua toi

Cameron với bức ảnh “Annie, thành công đầu tiên của tôi”

Julia Margaret Cameron, một nữ nhiếp ảnh chụp chân dung khá nhiều. Ảnh chân dung của bà thuộc loại ảnh chân dung quý phái nhất, gây ấn tượng nhất, trái lại ảnh người mẫu của bà hoàn toàn theo phong cách các họa sỹ thời Raphael.
Gần đến tuổi 50, Cameron mới bắt đầu vào nghề nhiếp ảnh và bức chân dung “Annie, thành công đầu tiên của tôi”, chụp năm 1864, đã dưa bà lên đỉnh cao nghệ thuật. Để dấn thân vào con đương mà mình đã chọn, bà đã phải vượt qua nhiều khó khăn về kỹ thuật và bà đã tìm mọi cách để đạt hiệu quả cao nhất.
Các bố cục ảnh của bà phần lớn chịu ảnh hưởng lối bố cục của họa sỹ George Frederick Watts, một người bạn thân của bà. Bà ngưỡng mộ ảnh Rejlander và bà đã nhờ ông ta giúp đỡ về nghệ thuật. Nhưng bà học được nhiều nhất là ở nhà họa sỹ kiêm nhiếp ảnh David Wilkie. Các bức ảnh minh họa cho tác phẩm “Những chuyện tình thơ mộng của nữ hoàng” (The Idylls of the King), các nhóm người tôn giáo, những đứa trẻ, bà thường lấy dáng các thiên thần hoặc trong “Thần Vệ Nữ, người mắng mỏ Cupido và lấy mất đôi cánh của nó” đều có phong cách thể hiện mạnh mẽ của bà.

Clementina hawarden

 

Clementina Hawarden chụp những cô gái trẻ trang phục lộng lẫy của thời hoàng kim Victoria.

Ngày càng có nhiều người say mê nhiếp ảnh. Trong những năm 60 thế kỷ XIX bà Clementina Hawarden đã chụp nhiều ảnh cho người thân trong gia đình và sáng tác một số chân dung toàn thân với ánh sáng lung linh, đầy sức sống về những cô gái trẻ trong những bộ trang phục lộng lẫy của thời hoàng kim Victoria, mang một dáng vẻ dịu dàng, khác hẳn với chân dung mạnh mẽ của bà Cameron. Các tác phẩm của Clementia được Lewis Carroll ngưỡng mộ. Lewis Carroll là nhà văn nổi tiếng và cũng là người say sưa với nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông chụp nhiều bức ảnh về trẻ em và những người nổi danh đương đại như Victor Hugo (1802-1885 ) lúc sống lưu vong trên đảo Jersey và nhà thơ danh tiếng Auguste Vacquerie…

Abraham Lincoln

 

Abraham Lincoln do Mathew B. Brady chụp

Như đã nêu ở phần trước, giữa nhiếp ảnh và hội họa có mối quan hệ đồng cảm khá sâu sắc. Nếu các nhà nhiếp ảnh tìm thấy ở hội họa sự khích lệ thì các họa sỹ lại nhìn thấy ở nghệ thuật nhiếp ảnh một đồng minh rất hữu ích.
Năm 1849, họa sỹ Gustave Courbet (1819-1877) đã sử dụng một bức ảnh người mẫu khỏa thân để đưa vào bức tranh “Xưởng vẽ của nhà nghệ sỹ”.
Trong lúc đó một số họa sỹ vẽ theo ảnh một cách mù quáng, bố cục bức tranh rập khuôn theo ảnh. Đó là bức tranh “Chân dung tự họa” của họa sỹ William Etty (1787-1849). Bức tranh chẳng có gì khác hơn một bản sao phóng to bức ảnh của Hill và Adamson chụp năm 1844 trong chuyến đến thăm Etty ở Edinburg. Nhà họa sỹ nổi tiếng Charles Loring Elliot khi vẽ chân dung nhà văn James Fenimore Cooper đã dựa vào bức ảnh do Mathew B. Brady chụp.
Kỹ thuật ảnh cũng giúp các thợ khắc và thợ in một phương pháp mới: in bản kẽm. Phương pháp này người ta tạo ra một bản âm rồi từ đó làm ra các phiên bản trên giấy ảnh. Thợ khắc sẽ dùng dao khắc lên tấm đế đã phủ lớp nhũ tương bắt sáng. Phương pháp này được các thành viên của trường phái Barbizon ưa chuộng.
Trong lúc đó các nhà phê bình nghệ thuật không thừa nhận nhiếp ảnh là bộ môn nghệ thuật. Để bênh vực cho lập luận của mình, họ đưa ra so sánh giá trị nghệ thuật của bức ảnh và bức tranh. Họ cho rằng bức tranh được sáng tạo từ tư duy trí tuệ và được thể hiện bằng tay của nhà họa sỹ, còn bức ảnh là kết quả của máy móc và các biện pháp kỹ thuật. Đấy là một sự đánh giá hết sức thiển cận. Đem “máy móc” của nhiếp ảnh để so sánh với “bàn tay”của họa sỹ quả là khập khiểng. “Máy móc” đối với nhiếp ảnh cũng giống như chiếc “bút lông”đối với họa sỹ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call 091 279 7887