Thuật ngữ “phơi sáng” (exposure) để chỉ cảm biến bắt sáng được “phơi” ra lấy hình ảnh của một khung cảnh. Tuy nhiên, để thu được một bức ảnh từ cảm biến thông qua cơ chế phơi sáng, còn cần phải có thêm cả ống kính, thân máy.
Khai Giảng Lớp Photoshop Liên Tục Ngày 26 Hàng Tháng !
Có đến 3 yếu tố ảnh hưởng tới phơi sáng, hay nói cách khác là ảnh hưởng tới ánh sáng tạo nên bức ảnh, đó là tốc độ cửa trập (shutter speed), độ mở ống kính (aperture) và độ nhạy sáng (ISO). Trong đó, quá trình ánh sáng tiếp xúc với vật liệu nhạy sáng như phim, giấy ảnh hoặc mặt cảm biến trong máy ảnh kỹ thuật số sẽ quyết định để có một tấm ảnh. Quá trình phơi sáng phụ thuộc vào 2 giá trị là thời gian trập và khẩu độ của ống kính. Thời gian trập (hay được gọi là tốc độ chập) là khoảng thời gian mà màn chập của máy ảnh mở cho ánh sáng đi vào mặt vật liệu nhạy sáng. Khẩu độ là kích thước thay đổi của màn chắn trong ống kính, điều chỉnh lượng ánh sáng đi qua vào mặt vật liệu nhạy sáng.
Thời gian trập
Tốc độ cửa trập quy định thời gian mà cảm biến được lộ ra để bắt hình ảnh. Trong hầu hết các trường hợp, tốc độ này được tính bằng những phần nhỏ của 1 giây. Ánh sáng của một khung cảnh càng tối thì thời gian cảm biến cần để thu đủ lượng ánh sáng càng dài để tạo thành được một bức ảnh đẹp. Đối với những cảnh chụp đêm, tốc độ cửa trập có thể kéo dài tới hàng giây hoặc hàng phút. Với tốc độ khác nhau, người chụp có thể thể hiện được những chuyển động khác nhau. Ví dụ, khi chụp một làn nước chảy tự nhiên, tốc độ 1/30 giây là phù hợp, nhưng chỉ cần đẩy lên tốc độ 1/500 giây, chuyển động của làn nước sẽ bị “đóng băng” với từng hạt nước rõ nét thay vì một làn nước mờ mờ. Tốc độ cửa trập cao vốn rất được ưa thích trong chụp thể thao bởi nó có thể “tạm dừng” bất kỳ đối tượng đang chuyển động nào như thể đối tượng đó đang đứng im.
Độ mở ống kính
Độ mở quy định độ rộng của mống chắn sáng bên trong ống kính. Mống chắn sáng này tương tự như con ngươi của mắt người, được làm bằng những lá thép xếp lớp với nhau tạo thành một vòng tròn có lỗ, có khả năng điều chỉnh độ to nhỏ để cho phép ánh sáng đi qua nhiều hay ít. Độ mở càng to (lỗ tròn càng to), ánh sáng “rơi” vào cảm biến càng nhiều và ngược lại. Khi chụp một khung cảnh, sẽ có một lượng ánh sáng vừa đủ nhất định tạo nên tính hoàn hảo của bức ảnh.
Vì vậy, nếu độ mở ống kính mở càng lớn (ánh sáng vào nhiều hơn) thì tốc độ cửa trập phải càng nhanh để cân bằng lượng ánh sáng vào cảm biến. Ngược lại, nếu tốc độ cửa trập càng chậm (thời gian để cho ánh sáng vào cảm biến lâu hơn) thì độ mở càng phải hẹp lại để luôn duy trì một lượng ánh sáng vừa đủ. Nên nhớ một điều là độ mở lớn được biểu thị bằng con số nhỏ, còn độ mở nhỏ lại được biểu thị bằng con số lớn. Ví dụ độ mở lớn nhất sẽ được ghi là f/2 hoặc f/2,8, trong khi độ mở nhỏ hơn sẽ là f/8, f/11. Ngoài việc điều chỉnh lượng ánh sáng đi qua ống kính, độ mở còn ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh (depth of field) hay khoảng nét. Độ mở càng nhỏ (f/16 chẳng hạn) khoảng nét càng lớn (tất cả mọi thứ trong ảnh, tiền cảnh hay hậu cảnh đều rõ nét) và ngược lại.
Độ nhạy sáng
Độ nhạy phim cũng có tác động tới lượng ánh sáng vào cảm biến. Độ nhạy càng cao, ánh sáng cảm biến thu được càng nhiều. Do vậy, khi một khung cảnh đủ sáng với một mức ISO, độ mở và tốc độ nhất định, nếu bạn tăng ISO, thì để cân bằng lượng sáng, bạn phải hoặc thu hẹp độ mở, hoặc tăng tốc độ cửa trập. Thông thường ISO ở mức 50 hoặc 100 sẽ cho ảnh đẹp nhất. ISO tăng càng cao sẽ khiến ảnh càng bị hạt. Hiện các máy ảnh số cho phép chỉnh ISO lên tới 6.400 nhưng ở độ nhạy này ảnh gần như sẽ mất chi tiết do quá hạt và nhiễu, thường chỉ dùng trong những trường hợp rất hãn hữu.
Điều chỉnh phơi sáng
Tất cả các máy ảnh số từ dạng ngắm-chụp tới DSLR đều đã có các chế độ tự động điều chỉnh phơi sáng thích hợp (Auto, Program) cho hầu hết mọi điều kiện chụp ảnh. Trong một số các trường hợp đặc biệt (chụp đêm, chụp tuyết, pháo hoa, con trẻ…), máy ảnh đời mới cũng đã thiết lập sẵn cho người dùng thông qua chế độ mặc định (Scene mode) nên nói chung, người chụp ngày nay có thể không cần quá quan tâm đến các thông số độ mở, tốc độ mà vẫn có thể chụp được những bức ảnh đẹp. Những người biết hơn một chút có thể tiếp tục tùy chỉnh qua các chế độ bán tự động như ưu tiên độ mở (Av, A) hay ưu tiên tốc độ cửa trập (Tv, S), chế độ mà máy sẽ tự điều chỉnh thông số ảnh hưởng tới phơi sáng tương ứng theo điều chỉnh của người chụp.
Thực tế là ở chế độ tự động, khi chụp đêm máy ảnh sẽ căn cứ chủ yếu vào tốc độ cửa trập thay vì các yếu tố tác động đến sự phơi sáng khác. Vấn đề ở chỗ, hầu hết máy ảnh đều tính toán không đúng thời gian cần thiết mà tốc độ cửa trập cần có để thu được ánh sáng tạo nên một bức ảnh được gọi là đẹp. Lý do chính là cảm biến đo sáng máy ảnh hoạt động về đêm (ánh sáng rất yếu) không được chính xác và hiệu quả như ban ngày. Vì thế, những bức ảnh chụp đêm bằng chế độ tự động phần lớn là thiếu sáng.
(Sưu tầm)