Trường phái nhiếp ảnh động lực
Kinetic art là loại hình nghệ thuật hiện đại khá phổ biến trong đồ hoạ và nhiếp ảnh, đặc tả những dòng chảy chuyển động của ánh sáng, có thể nó có tên gọi khác khác là “non-stop whirl art”.
Cùng với các phong cách và trường phái nghệ thuật hiện đại như trường phái dã thú (Fauvism), trường phái siêu thực (Surrealism), trường phái tối giản (Minimalist)… trường phái động lực (Kinetic) cũng được nhiều nhà nhiếp ảnh thể nghiệm theo đuổi.
Nhiếp ảnh động lực không phải là hoạt hình
Hoạt hình (animation) được biết đến như một dạng đồ hoạ kết nối nhiều khung ảnh lại với nhau theo dạng frame by frame nhờ “bộ nhớ” của mắt người mà ảnh có chuyển động. Trường phái nhiếp ảnh động lực không tận dụng khả năng lưu ảnh của mắt người mà ghi nhận dòng chuyển động của ánh sáng hoặc hoạ tiết, trường phái kinetic buộc người xem vận dụng trí nhớ, tư duy để thấy được thời gian và sự chuyển động trong bức ảnh. Do đó thủ pháp chính trong trường phái Kinetic là ghi lại chuyển động bằng đường nét ánh sáng hoặc hoạ tiết chồng nhau.
Bạn nên nhớ rằng có 2 chiều thời gian trong bức ảnh là chiều thời gian của hình thức (trên bức ảnh) và chiều thời gian của trí tưởng tượng (từ trí nhớ ta biết chuyền động kế tiếp sẽ như thế nào?).
Cách chụp ảnh động lực (Kinetic art)
Bằng cách vận dụng các kỹ năng kỹ thuật nhiếp ảnh để tạo ra hình thức của nghệ thuật động lực học – Kenetic như kéo dài thời lượng phơi sáng, sử dụng đèn flash, thay đổi tiêu cự trong lúc phơi sáng, lia máy… để tạo ra những hoạ tiết có hiệu ứng chuyển động (động lực). Mặc dù màn trập đã đóng và chuyển động đã được “chụp” nhưng chuyển động vẫn tồn tại nhờ vào sự tịnh tiến “non-stop” của những tia ánh sáng hay hoạ tiết.
Tận dụng trạng thái và ý nghĩa chuyển động của chủ thể, bạn sẽ khiến cho người xem phải vận dụng khả năng tư duy để hình dung ra sự chuyển động của chủ thể. Rất có thể trong bức ảnh không hề có sự chuyển động nào nhưng tâm thức của người xem vẫn cho rằng có sự tồn tại sự chuyển động.