Ngoài lý thuyết nhiếp ảnh, bạn nên dùng thêm các độc chiêu về hiệu ứng giúp ảnh chụp đẹp hơn rất nhiều. Nội dung ảnh là điều kiện để người xem bộc lộ cảm xúc nhưng điểm khiến người xem bị thu hút lại chính là những hiệu ứng ánh sáng lạ mắt mà tác giả sử dụng trong tác phẩm nhiếp ảnh.
Thêm hiệu ứng “Lens Flare”
Hiện tượng Lens Flare (lóe sáng) xuất hiện khi lựa chọn góc chụp ngược sáng. Khi có ánh sáng trực tiếp đi vào ống kính, ta sẽ được hình ảnh nhiễm sáng. Lúc này bức ảnh sẽ thiếu độ tương phản và mất độ trong của hình ảnh nhưng bù lại, hiệu ứng Lens Flare lại tạo cho hình ảnh có cảm giác thơ mộng, lung linh, hấp dẫn mắt nhìn.
Tạo không khí huyền ảo với khói bụi, sương mù
Để tạo tâm trạng và cảm xúc cho bức ảnh đừng quên thử nghiệm với sương mù buổi sáng hay một chút khói nhân tạo. Đây là một trong những “chất liệu” thường xuyên được khai thác trong nhiếp ảnh và điện ảnh, vừa giúp xóa bối cảnh rối xung quanh cho hình ảnh “sạch sẽ” và tập trung hơn, đồng thời mang lại cảm giác mờ ảo, huyền bí.
Sử dụng kỹ thuật Low key
Kỹ thuật chụp ảnh Low key là sự kết hợp của ánh sáng và “sự loại bỏ”. Phong cách này sử dụng màu tối để truyền đạt thông tin, giúp hình ảnh ấn tượng hơn so với cách chụp thông thường. Chụp ảnh Low key có thể chụp vào ban ngày, ngoài trời hay trong nhà và phòng chụp, quan trọng là phải có 1 chiếc đèn chiếu sáng để làm nổi bật các chi tiết cần thể hiện trên nền tối đen.
Không lấy nét vào chủ thể
Bạn có thể lấy nét vào bất kỳ chi tiết nào trong hình trừ nhân vật chính, điều này sẽ mang lại cho hình ảnh cảm giác thơ mộng và huyền bí. Kỹ thuật chụp những bức hình như vậy khá đơn giản, chỉ cần chọn khẩu độ mở lớn và lấy nét vào một chi tiết nào đó trong hình có khoảng cách xa từ 2-5m so với chủ thể chính.
Chụp quá sáng
Những bức ảnh đúng sáng luôn là tiêu chuẩn để đánh giá màu sắc và sự chính xác của hình ảnh. Trong khi những bức ảnh quá sáng thường làm mất chi tiết và sai sắc độ của hình ảnh. Nếu chụp thử những hình ảnh có phông nền đơn sắc, chủ thể không quá nhiều chi tiết bạn có thể nhận ra việc chụp hình quá sáng trong trường hợp này mang lại hình ảnh vô cùng ấn tượng, mang cảm giác tươi mới và sáng chói.
Sử dụng khẩu độ lớn
Độ nông trường ảnh hẹp và hiện tượng phông nền bokeh là một trong những tính chất tạo nên một bức ảnh mang cảm xúc thơ mộng, được tạo nên khi sử dụng ống kính có độ mở lớn như f/1.4; f/1.8; f/2… Ngoài ra, sử dụng khẩu độ lớn còn giúp chủ thể được nổi bật và xóa mềm phông nền rối.
Hiệu ứng ánh sáng
Trong đó, các loại ánh sáng thuận và tản đều sử dụng chiếu sáng để tạo cảm giác mềm mại cho bức ảnh, ánh sáng ngược và chếch ngược có thể vẽ đường nét chủ thể, tạo sự tương phản sáng tối mạnh mẽ trong hình.Chú ý và vận dụng những cách chiếu sáng khác nhau để mang cảm xúc và sự hấp dẫn của hình ảnh. Các góc chiếu sáng thường sử dụng trong nhiếp ảnh gồm, ánh sáng thuận, ngược sáng, chếch thuận, chếch ngược, sáng bên, tản đều.
Hiệu ứng chuyển động
Chuyển động mờ với tốc độ màn trập chậm, chụp lia máy hay nháy đèn flash liên tục khi chụp chuyển động với tốc độ chậm có thể mang lại những bức ảnh độc đáo, ngoài chí tưởng tượng của bạn. Bởi khi đó, những đường di chuyển của chủ thể tạo hình mờ ảo hay một vệt sáng dài còn chủ thể vẫn nét căng, mang lại cảm giác “động” cho hình ảnh. (Lưu ý, khi chụp tốc độ châm nên sử dụng chân máy).
Ảnh màu và đen trắng
Trong khi nhiếp ảnh màu thể hiện cuộc sống với đầy màu sắc và thể hiện đủ loại tâm trạng khác nhau, dễ dàng đưa cảm xúc đến người xem… thì nhiếp ảnh đen trắng thể hiện cảm xúc qua sắc đen, xám, trắng là những màu sắc mạnh mẽ, sang trọng, vượt thời gian, mang ngôn ngữ khác biệt so với cuộc sống thực đầy màu sắc để thể hiện cái đẹp và tâm trạng ẩn chứa, e ấp…
(Sưu tầm)